VỊ CHÂN SƯ

Vị Chân Sư  (tt)

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

Chương XVII

Sáng hôm sau, như đã tiên đoán, lính đến nhà bắt Antonius, mang anh ra tòa, có Cynara đi theo. Cô từ chối không chịu bị tách lìa anh vào giờ phút nghiêm trọng và đáng sợ như vầy. Một đám đông người có mặt ở đó vì tin đã lan khắp làm dân chúng rất đỗi hiếu kỳ, bàn tán xôn xao, thích thú có chuyện gay cấn. Nhưng về phần Antonius, anh đối diện quan tòa và khán giả với tâm trí thản nhiên, tự nhủ lòng.
– Ta sẽ dùng cơ hội này để gắng làm chuyện lành nho nhỏ, theo chân các đấng cao cả, sử dụng phương tiện xấu cho việc công chính.
Khi anh đứng thẳng với dáng vẻ thật bình thản trước mặt mọi người, vài kẻ trong khán giả thì thầm với nhau.
– Hoặc đây không phải là kẻ bịp bợm chút nào hoặc là vua bịp bợm, vì mặt ông lộ phẩm cách và sự an tĩnh giữa lúc bị tai biến.
Khi ai nấy sẵn sàng, viên chức của tòa nói.
– Người ta cáo buộc là ông làm hư hại các bà các cô trong thành phố này, với cớ là dạy họ khoa học huyền bí, gạt gẫm họ khỏi tôn giáo chân chính, và dựa vào sự dễ tin của họ, nói rằng ông tiếp xúc được với thần linh, làm phép lạ bằng cách chữa bệnh. Vì vậy, chúng ta xem ông như là mối nguy hiểm cho cộng đồng, là ảnh hưởng xấu mà chúng ta có nhiệm vụ phải loại trừ, vì chúng ta luôn quan tâm đến lợi ích của công dân.
Antonius mỉm cười và thản nhiên đáp.
– Tôi biết những cáo buộc các ông đưa ra đối với tôi, rồi thì sao ?
Quan tòa kinh ngạc, nghĩ thầm sắp mất cơ hội có trò giải trí như dự tính, bởi tù nhân không đưa ra lời chống cãi nào, nên họ nhỏ giọng hội ý với nhau, không biết xử sự ra sao; người ta nghe có tiếng xì xào trong đám đông, chứng tỏ có sự thất vọng. Trưởng tòa lại lên tiếng.
– Nếu ông không thể chứng tỏ là mình vô tội, hình phạt là phạt tù hay biệt xứ.
Antonius lại mỉm cười, trả lời với sự bình thản không mảy may xao động.
– Xin như thế, còn về việc đòi hỏi bằng chứng là tôi vô tội, trước tiên hãy chứng tỏ là tôi có tội.
Một quan tòa khác lên tiếng, đọc từ một cuộn giấy.
– Chúng ta đã gửi người đi tìm hiểu, và nghe rằng ở sinh quán của ông, ông sống đời xấu xa, ăn chơi phung phí, gây náo loạn với đủ mọi tật xấu.
Antonius thản nhiên đáp.
– Vậy ra trò khờ dại ngốc nghếch của tuổi thơ được dùng làm thước đo cho người trưởng thành à ? Và theo ý các ông, người ta phải xử sự như 10 tuổi lúc chỉ mới 2 tuổi, hay tuổi hai mươi phải hành động như người ba mươi tuổi, hay lúc bốn mươi tuổi phải cư xử khi ai bẩy mươi tuổi hay sao ? Bởi không phải là có sự thay đổi, cải thiện và qua giai đoạn mới, thấy ở tuổi trưởng thành cũng như ở tuổi thiếu niên à ?Sao đi nữa, tuy bản cáo trạng của ông không có bằng chứng mà chỉ là suy luận, vậy hãy tiếp tục với cáo trạng của các ông.
Quan tòa nói.
– Chúng ta nghe là phần lớn những ai gọi là học viên của ông là các bà, các cô trẻ tuổi, không phải thanh niên hay đàn ông, tự nó là điều đáng nói. Nhưng khi chúng ta biết thêm là ông không lấy tiền cho việc dạy, kéo dài một thời gian lâu khả nghi, chuyện rõ ràng là ông được trả công không phải bằng tiền, mà bằng ân huệ dưới hình thức phóng túng dâm loạn, bởi đâu có ai bỏ ngày giờ và công sức mà không đòi hỏi có gì đáp lại. Phải, đó là bằng cớ theo như cuộc đời trước của ông mà người ta biết.
Antonius bình thản đáp.
– Lại không có bằng chứng mà chỉ là suy luận, mà không nghi ngờ gì là tôi bị bất lợi, vì không thể chứng minh sự vô tội của tôi cũng như điều có tội. Vì nếu tôi có kêu gọi hết các nữ học viên làm chứng nhân, tin chắc rằng họ sẽ phủ nhận sự  hoang dâm như các ông nghi ngờ tôi, nhưng câu trả lời của các ông sẽ là 'Các chứng nhân này không đưa ra bằng chứng gì cả, vì chắc chắn là không phụ nữ nào sẽ khai ra sự thất tiết của mình'. Thế nào đi nữa, không gì có thể làm tôi kêu bất cứ nhân chứng nào, vì làm vậy là tôi khiến tư cách của họ bị nguy hại để cứu lấy tư cách của tôi; vì  đó là việc tự nhiên của vụ này. Còn nếu được tha bổng, người ta sẽ nói, 'Nhân chứng của hắn nói láo để lên thanh thế với người đời'.
Quan tòa nói.
– Chúng ta thấy ông không phủ nhận điều gì, còn thuận với kết luận của riêng chúng ta; mà không phải chỉ có bấy nhiêu chuyện chống đối ông thế nên bây giờ ta sẽ trưng ra thêm nhiều truy tố khác, mỗi việc cho thấy tội trạng của ông. Người ta nói rằng ông giả vờ dùng quyền năng bí mật, khai thác sự dễ tin của kẻ  ngây thơ, làm bộ chữa bệnh trong khi bệnh nhân tự họ được khỏi bệnh. Sự bịp bợm này của ông thật đáng chê trách vì nó làm y sĩ mất đi việc làm lương thiện, bằng cách chiêu dụ bệnh nhân rời khỏi các y sĩ và làm hạ giá trị y khoa đáng trọng.
Antonius nở một nụ cười nhẹ có ý chế diễu và nói.
– Khoa học cao cả là khoa học có lòng xả kỷ và cao thượng, tìm kiếm trước hết thẩy cách chữa, nếu đó là chữa bệnh, và nếu là việc khác, thì tìm cách làm người ta giác ngộ và biểu lộ Chân lý. Còn khoa học gia chân chính là người thay đổi niềm tin của mình cho phù hợp với sự kiện, mà không phải thay đổi sự kiện để phù hợp với niềm tin, như y sĩ các ông đã làm đối với tôi. Bởi, tôi có thể dùng những phương pháp mà họ không biết, nằm ngoài sự hiểu biết của họ, họ dối gạt phủ nhận những sự chữa lành của tôi, hay tìm cách giải thích cho qua thay vì trước tiên tìm hiểu, rồi nếu cần thì sau đó nhìn nhận giới hạn của mình.
Quan tòa nói một cách nghiêm khắc.
– Nhục mạ y sĩ chẳng có lợi gì cho ông đâu, mà chỉ giúp làm thấy tội của ông, vì lời khai của ông không phù hợp với sự thật. Bởi vài y sĩ đến gặp ông, xin cho biết bí mật của ông mà ông từ chối.Từ sự kiện ấy, chúng ta đi tới kết luận là chẳng có bí mật gì để khoe, vì trọn sự việc chỉ là sự bịp bợm mà không là gì khác.
Antonius trả lời với nụ cười nhẹ.
– Ai đi tìm với tinh thần đúng đắn thì chân lý và sự hiểu biết không bị giữ lại mà sẽ cho ra, cũng như ai sẵn sàng làm theo các điều kiện thiết yếu để được nhận chỉ dạy. Đầu tiên y sĩ của các ông đến với tôi hoàn toàn trong tinh thần sai lầm, và rồi hoàn toàn từ chối không tuân theo điều kiện mà tôi bắt buộc phải đặt ra. Tôi còn có thể làm gì khác hơn là xua họ ra không dạy ? Bởi hãy biết rằng một số hiểu biết có thể dùng cho việc xấu cũng như việc tốt, y như lửa có thể được dùng để sưởi ấm hay thiêu hủy, và đặt hiểu biết của tôi vào tay ai chưa xứng đáng thì không những là khờ dại tột mức, mà còn là hiểm họa cho nhân loại nói chung.
Các quan tòa lại thì thầm hội ý với nhau, và người ta lại nghe tiếng xầm xì bàn tán trong đám đông.Sau một lát trưởng tòa đứng lên và nói.
– Muốn gì thì muốn, cho dù ông nói như thế mà vẫn còn cách để cho ông làm nhẹ bớt tội trạng của mình và lấy lại thanh danh, vì chúng ta tin rằng không có bí mật gì còn ông tuyên bố ngược lại (tìm cách tránh né không tiết lộ bằng cách giả vờ rằng nó nguy hiểm cho nhân loại), vậy hãy nói riêng cho chúng ta nghe, để chứng tỏ là có chúng và không lôi thôi gì nữa. Phải, nếu chúng ta thấy nó có giá trị, tư cách của ông sẽ được chứng tỏ không nghi ngờ, còn nếu chúng ta không thấy vậy thì cũng không có hại chi.
Lại có tiếng xì xào nghe rõ trong đám đông, nhưng viên trưởng tòa dẹp yên, cũng như giọng nói của Antonius trả lời làm mọi người lặng như tờ.
– Nói về tội và tư cách của tôi, những điều này chẳng có nghĩa gì đối với tôi, còn tìm cách giảm thiểu điều trước là trẻ con không đáng công; đối với điều sau, nào, lòng ham muốn có tiếng tăm tốt đẹp sinh ra do lòng kiêu hãnh và vị kỷ mà không là gì hơn. Hơn thế nữa, trong trường hợp này, để có được tư cách của tôi trong mắt thế gian là mất nó trong mắt tôi, vì như thế là chứng minh rằng tim tôi kiêu hãnh, vị kỷ và không đáng tin, và sẵn sàng gây hại cho nhân loại để có phần thưởng không có giá trị là dư luận. Thế nên tôi không sẵn sàng thuận theo điều các ông đòi hỏi, vậy hãy tiếp tục bản cáo trạng.
Quan tòa nói.
– Chúng ta có cáo buộc về ông là ông dạy thuyết lý dị giáo và mê tín dị đoan, lôi cuốn học trò xa lìa khỏi tôn giáo duy nhất chân thực, và giả vờ là tiếp xúc với thân nhân và bạn bè quá vãng của họ mà cũng biết rằng ấy là chuyện không thể có, hoàn toàn không có chứng cớ gì.
Antonius trả lời khéo léo.
– Lời của ông kết tội tôi là mê tín dị đoan, vậy mà có gì mê tín dị đoan hơn việc tuyên bố rằng không có gì là thật ngoại trừ điều có thể chứng thật, và ngược lại, tất cả điều nào được xem là không thể chứng thật đều là không thật ? Vì có người con nào có thể chứng minh là cha của họ về danh tính cũng là cha trên thực tế, vì bác bỏ một sự kiện thì dễ hơn là chứng tỏ nó ? Phải, xưa kia có người điên, bị cuồng trí với tư tưởng rằng cha thật của họ thì không phải là cha họ. Khi y sĩ và bạn bè trách móc thì họ phủ đầu những người này với biện luận sắc bén, thành ra mọi người bỏ cuộc, không tranh luận nữa. Vì, người điên nói rằng, 'Tôi chỉ được nghe nói là chồng người mẹ tôi thực sự là cha tôi, mà tất cả đàn ông đều là kẻ nói dối, vậy chắc nó không đúng'.Rồi một người bạn của họ nói.
– Nhưng mẹ anh là phụ nữ đức hạnh, không phải là  người ngoại tình, ai cũng biết bà không có tình nhân.
'Nhưng người điên có óc lý luận vững chắc rất bực bội, đáp.
– Ai có thể nói là bà có hay không có tình nhân ? Vì hết mọi đàn bà nào biết suy nghĩ sẽ gặp gỡ tình nhân lén lút mà không phải giữa chợ hay trên nóc nhà. Ngoài ra, cho dù bà không có tình nhân, ai biết có ngày bà đi một mình ngoài đường, gặp kẻ bất lương hay nhiều kẻ bất lương làm nhục bà ở đó, khi đó ?
Một người bạn khác bảo.
– Nhưng chắc chắn là, bởi bà vẫn còn sống và kể lại sự việc, bà hẳn sẽ báo cho chính quyền, làm lớn chuyện, để lính được phái đi bắt giữ kẻ làm bậy và mang chúng ra trước công lý chứ ?
Người điên trả lời.
– Không có vậy, bởi mẹ tôi ngần ngại không muốn ai khác biết chuyện xấu của mình, và dù không phải vậy, cũng lo lắng chuyện chồng mình bị mất danh dự và lo buồn vì tai tiếng, sẽ cho rằng tốt hơn nên giữ yên lặng và chịu đựng bất hạnh của mình không than vãn.
'Theo cách ấy kẻ điên lý luận, có phản đối không sao bác bỏ được cho mỗi ý kiến đưa ra, tuy cha họ thực sự là cha từ nào đến giờ. Thế thì, tuy lý luận của họ hoàn toàn hữu lý và có thể áp dụng, nhưng theo tôi chúng không đáng cho ta xem xét dù chỉ trong một giây, vì sinh ra do đầu óc điên loạn mà chẳng là gì hơn.
'Nay đó chính là trường hợp với lý luận của các ông về tội của tôi, vì chúng cũng sinh ra do điên loạn như vậy; sự điên loạn về tội phạm như là định kiến trong tâm trí các ông. Vì như trong trường hợp của người điên, phần lớn các lý luận của các ông cũng dựa trên giả định khó mà có tới nỗi chỉ ai ngây thơ hết mức mới tin. Phải, hãy biết rằng sự dễ tin của kẻ hoài nghi thì cũng lớn như của kẻ tin tưởng, làm cái trí biết suy nghĩ bị kinh ngạc. Vì điều khác biệt duy nhất là trong khi ai tin tưởng thì dễ tin với một loại chuyện, kẻ hoài nghi dễ tin với loại khác, cho lời giải thích để bác bỏ hiện tượng, lời giải thích ngàn lần khó tin hơn chính hiện tượng.
Khi anh nói xong, có tiếng rì rào nổi lên trong số người dự khán, cho biết họ đồng ý với anh, tuy nhiên nó lập tức bị quan tòa trấn áp ngay, nhưng Antonius tiếp tục biện luận của mình hoàn toàn không nao núng.Anh nói.
– Vậy điều gì có thể được chứng tỏ, và không thể được chứng tỏ thì không phải là tiêu chuẩn cho sự thật hay điều không thật. Dầu vậy hãy biết rằng suy nghĩ có thể không thành thật như là hành động không thành thật, và ai đưa ra lời giải thích khó thể có, giả tạo về chuyện, chỉ để phù hợp với tiên kiến hay niềm tin của mình, là kẻ suy nghĩ không thành thật không chút nghi ngờ gì.
'Theo cách ấy hết thẩy các ông đã sai lầm về tôi (và chắc chắn về những người khác); các ông có điều mà tôi gọi là đầu óc của gián điệp (hay của thám tử, luôn đi tìm tội phạm, nhìn hành vi tự nhiên vô hại lại có nét khả nghi), thấy chuyện gì lạ lùng, khác với tư tưởng của mình cũng là xấu xa, tội lỗi thay vì trước tiên đi tìm giải thích hợp lý, tốt lành hơn. Và như thế, hoàn toàn làm ngơ sự thật giản dị, thể hiện trong chữ vị tha, và là chìa khóa cho trọn câu chuyện, bởi ai tìm được hạnh phúc trong lòng cũng muốn người khác hạnh phúc giống vậy.

 

 

'Các ông đưa ra những giả định không đứng vững được, và gán cho tôi những quyền năng, tính chất tôi không hề có. Bởi để giải thích việc không lấy tiền của bất cứ ai trong số các học trò đông đảo của tôi, các ông gán cho tôi tính trăng hoa của kẻ dâm loạn, dễ dàng quên rằng kẻ phóng túng, phóng đãng dễ được phân biệt với những ai khác, vì dấu hiệu trên gương mặt và thân hình họ do sự chơi bời quá độ.
'Còn nói về triết lý và khả năng thông nhãn của tôi, các ông gọi tôi là kẻ bịp bợm, mà cũng dễ quên rằng kẻ bịp bợm có lý do rất tốt để lừa bịp, nghĩa là để có được tiền bạc mà tôi không ham muốn có chút nào. Chót hết, các ông nói tôi lôi cuốn học trò khỏi tôn giáo chân chính bằng cách giả vờ tiếp xúc với người quá vãng, rồi các ông nói thêm rằng đó là chuyện bất khả vì hoàn toàn không hiểu được chứng cớ. Mặc dầu thế, căn bản của hết mọi tôn giáo là gì ngoài niềm tin vào sự bất tử của linh hồn ? Và nếu tôi tiếp xúc với người quá vãng để mang lại an ủi và sự giác ngộ cho thân nhân đau khổ, là tôi giúp để chứng minh cho tôn giáo mà không phải bài bác nó, và như vậy dạy học trò biết điều mà từ trước tới nay họ chỉ tin.
Tới đây lại có sự náo động nhỏ, cho thấy cử tọa có đồng ý và có một chút kinh ngạc, còn về những quan tòa thì họ nhỏ giọng thảo luận với nhau một lúc lâu, thấy bị cáo biện luận giỏi dang, hữu lý và nói trôi chẩy thật bất lợi cho tòa.
Cuối cùng trưởng tòa nói.
– Cho dù ông ăn nói khéo léo nhưng chúng ta vẫn không tin, thấy ông có ảnh hưởng xấu trong dân chúng ở đây, là kẻ phá hoại truyền thống thiêng liêng, và là kẻ xách động người khác làm theo vậy. Sau khi cân nhắc, chúng ta có ý khoan hồng, xem ông như là người điên loạn sau khi lắng nghe lời biện hộ của ông, hơn là kẻ tội phạm nặng nề. Vì vậy, chúng ta sẵn lòng giảm thiểu hình phạt một chút, là không phạt tù mà chỉ tống xuất khỏi thành phố này, không bao giờ được phép trở lại.
Antonius đáp với nụ cười nhẹ nhàng.
– Tôi hiểu bản án, và rời nơi đây chỉ với một hối tiếc, là sự buồn rầu và thương xót cho kẻ thù của tôi, những ai âm mưu làm tôi bị hại; bởi đáng tội thay, theo luật Nhân Quả mà tôi không kiểm soát được, những kẻ này không sớm thì muộn phải bị trả quả không chút nghi ngờ; sự hối tiếc của tôi không phải là cho việc tôi bị làm hại, mà cho ai muốn tôi ở lại nơi đây. Bởi hãy biết rằng, mỗi phút giây mà lỗi lầm của ta gây đau khổ cho kẻ khác, sẽ phải được trả lại bằng việc tới phiên họ bị đau khổ.
'Việc tôi phá hủy truyền thống, tập tục và lề thói của các ông không làm thay đổi chút nào điều này.Vì truyền thống không bị tổn thương, khác với tâm người không thể làm ngơ với mọi đau khổ, nhờ đã giác ngộ và hiểu biết Chân lý. Hơn nữa, nếu tôi đi ngược lại truyền thống của các ông, tôi làm vậy vì chúng ngăn chận lòng vị tha, nhân ái và việc mang lại sự an ủi và giác ngộ cho người khác.
Rồi đột nhiên anh quay sang cử tọa với nụ cười vô cùng từ ái, nói.
– Hỡi các anh chị em, ngày mai tôi rời thành phố này mãi mãi như quí vị vừa nghe. Nhưng trước khi ra đi, quí vị có sẵn lòng dành vài phút để nghe tôi kể một câu chuyện ?
Có tiếng vỗ tay vang dội, kèm với lời kêu to.
– Phải, xin cho nghe,
vì anh đã chiếm được lòng thiện cảm và sự tán thành của đám đông, do lời hùng biện và sự nhân từ của mình. Thế nên anh bắt đầu.
– Xưa kia trong một thành phố nhỏ giữa nhiều ngọn đồi, có một người đàn ông góa vợ sống có hai con trai; ông rất say mê việc săn bắn và thể thao, giống như nhiều người trong quí vị. Ngày kia khi đi săn, ông ngã ngựa và bị thương nặng tới mức bạn bè phải dùng cáng khiêng ông về nhà. Ông thành người bệnh nặng từ đó về sau, không còn có thể đi ra ngoài, cũng không ra khỏi giường.Tuy vậy, ông không than vãn hay bực tức, làm ông thành mẫu mực cho đức hạnh nên vị giáo sĩ, thỉnh thoảng đến thăm ông, nói.
– Cảnh bệnh nhân không than vãn tự nó thực là một bài giảng vậy.
'Nhiều năm trôi qua, hai người con trai lớn lên, dù tỏ ra biết bổn phận và yêu quí cha, ngần ngại nhưng phải để ông ở nhà một mình, vì cả hai là thương gia và phải dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc tại văn phòng. Ngày nọ, khi bệnh nhân đã lớn tuổi, bạn bè đến viếng thăm, mang theo một cô gái diện mạo xinh đẹp và tâm tánh tốt lành. Khi thấy ông nằm đó, cô thương cảm và lo ngại cho ông nên tỏ ý muốn thỉnh thoảng tới thăm cho ông bớt cô quạnh, và săn sóc ông như là người điều dưỡng.
'Cô làm thế, khiến cho ngày tháng của ông lão bớt quạnh quẽ và được vui hơn, chăm lo nhu cầu của ông, giúp ông được thoải mái, cho tới khi ông không thể nào không có cô. Để tỏ lòng biết ơn, và bởi vì cô tốt bụng, xinh đẹp, dễ yêu, ông lão ấy cuối cùng sinh lòng thương yêu cô và cô cũng yêu thương  ông, vì tội nghiệp và thán phục tâm hồn nhẫn nại và cao thượng của ông.
'Khi hai người con trai, thân thiết với nhau vì là hai anh em, biết chuyện, họ nói.
– Không được, ba lớn tuổi rồi còn yêu thương gì nữa, làm mất phẩm cách hết. Hơn thế, người đời sẽ bàn tán điều thị phi, bởi ông lão có cô gái trẻ xinh đẹp, một mình ở cạnh ông cả ngày là điều trái với lề thói. Mà tệ hơn hết, ai biết là ba có thể để lại hết hay một phần gia tài cho cô, và như thế làm hai ta mất đi tài sản được thừa hưởng chính đáng ? Vậy hai ta chắc chắn phải chấm dứt  tình trạng không hợp và nguy hiểm này, không chút chậm trễ.
'Hai người có con tim cứng rắn này mới lập mưu với nhau, cấm không cho cô gái tới nhà, ra lệnh chặt chẽ cho gia nhân là không bao giờ cho cô vào nhà với bất cứ cớ chi. Kết quả là ông lão không còn hạnh phúc, và bởi ông mỏi mòn trông chờ cô, đau buồn và cô quạnh, thất vọng với tính tình cứng rắn của hai con, ông mắc bệnh nan y, bị đau ốm đủ điều cho tới khi qua đời. Chỉ vào phút chót trên giường bệnh, nhờ lời can thiệp của một vị giáo sĩ già tốt bụng, bực tức với hai người con cứng lòng và nhẫn tâm, mà ông lão được cho gặp cô gái để nói lời vĩnh biệt, và vì thế ra đi an lòng.
'Nhưng bàn tay định mạng theo luật nhân quả tác động lên hai người con, chia cách họ như họ đã chia cách người khác. Vì người con nhỏ không lâu sau đó đi biển bị hải tặc tấn công và thiệt mạng; còn người con lớn đau buồn vì mất mát của mình, sống đời cô đơn và sầu não, vì em anh là người bạn duy nhất của anh trong đời.
Antonius ngừng một chốc, nhìn vào đám đông rồi nói.
– Nay hãy biết rằng có lúc nên theo tập tục mà cũng có lúc phải chống lại nó, như trong câu chuyện này và trong trường hợp của tôi, chắc chắn là hai người con ấy, tuy họ làm điều phải hợp với lối thông thường của đời, đã phạm tội gớm ghê với con tim; lớn lao đến mức bàn tay của định mệnh do tự mình sắp xếp đã tác động ngay không chút trì hoãn. Phải, ông lão đã bị không may quá nhiều do bệnh nan y nặng nề, mà còn làm cho ông phải đau khổ thêm, lợi dụng tình trạng bất lực của ông, là hành động nhẫn tâm, tệ hại cực độ. Vì, biết yêu và sinh lòng yêu thương không phải là tội mà đúng hơn là đức hạnh, nên trừng phạt thay vì khen thưởng nó, đối với Thượng Đế bị coi là có tội.
Và rồi anh quay lần nữa sang những quan tòa, nói thản nhiên mà mỉm cười tội nghiệp.
– Các ông, người lên án tôi, cũng đã phạm một tội với con tim nhưng hãy biết rằng tôi không phiền trách và các ông không thể gây ra cảm xúc đau đớn, hay tức tối, giận dữ  trong tôi; tội của các ông không gây hại gì cho tôi. Dầu vậy, cho ai về sau và đứng trước mặt các ông như tôi đứng hôm nay, hãy nghĩ tới điều các ông đã làm.
'Và nay, hỡi công dân của Marbletown, xin vĩnh biệt, và cầu cho tất cả được bình an.
Lính mang anh đi ra, nhưng trong đám đông có sự la ó vang dội vì dân chúng nói.
– Ông đã bị kết tội sai lầm, ông không phải là kẻ bịp bợm mà là người thánh thiện và công chính. Không phải ông trông cao thượng và đường bệ khi đứng đó ư, không phải ông là nhà hùng biện tài giỏi sao ?
Họ bầy tỏ cảm xúc với những lời như thế cho tới khi giải tán. Nhưng Antonius bị giải trở về nhà mình, và anh được nói lời giã biệt với các học trò và thân hữu như là một đặc ân, tuy vài kẻ không đến, bỏ rơi anh ngay khi đó vì e sợ dư luận, không muốn được thấy  ở gần anh chút nào nữa. Khi mọi người tề tựu đông đủ, bao quanh anh bầy tỏ lòng yêu quí và kính phục với lời cảm động, anh nói.
– Hỡi các bạn, tuy tôi ra đi nhưng còn nhiều người khác không những có thể giảng như tôi đã làm mà còn giảng hay hơn, và có thể chỉ dẫn các bạn, truyền những bí mật mà tôi không được phép tiết lộ. Tai biến của tôi ở đây, tuy có vẻ xấu mà thực ra lại tốt, vì nó cho phân biệt học trò chân chính với học trò giả hiệu, ai vững lòng trong việc theo đuổi hiểu biết với ai nông nổi và yếu đuối.
Và họ dành trọn ngày hôm đó để thảo luận triết lý, và xếp đặt cho việc giảng dạy thêm hoặc với Petrius hay nhà hiền triết Florian; nhưng khi tới gần giây phút chia tay, vài người khóc vì lòng quí mến, biết ơn và sầu khổ do ly cách, không phải chỉ với Antonius mà luôn cả với Cynara. (còn tiếp)